Ảnh: Đức Hồng y George Pell. Cre: Alexey Gotovsky/CNA
Đức Hồng y George Pell nói với một nhóm sinh viên Công giáo Úc rằng đức tin Ki-tô giáo đã giúp ngài kiên trì vượt qua thời gian ở tù, và ngài đưa ra lời khuyên về cách vượt qua những hoàn cảnh đau buồn và căng thẳng.
Đức Hồng y Pell trong một lần xuất hiện công khai đầu tiên kể từ khi ra tù vào tháng Tư, đã tâm tình chia sẻ với một khóa tĩnh tâm thinh lặng trực tuyến được tổ chức vào ngày 5 và 6 tháng Sáu bởi Hiệp hội Sinh viên Công giáo Úc về sự đau khổ và những công cụ mà người ta có thể sử dụng để giữ vững đức tin trong những thời điểm gian nan.
Đức Hồng y nói rằng, 13 tháng trong tù của ngài là “khó khăn và khó chịu”, nhưng đó chưa phải là hình thức đau khổ tồi tệ nhất có thể. Ngài cho biết thời gian ở trong tù đã củng cố chân lý về quan điểm của Ki-tô giáo đối với sự đau khổ cứu chuộc, theo hãng tin The Catholic Weekly cho hay.
”Tôi vẫn đang giảng dạy cùng một thông điệp Ki-tô giáo”, Đức Hồng y nói. “Và tôi ở đây chỉ để đơn giản nói rằng, thông điệp đó có hiệu lực. Không phải với ý nghĩa là tôi được tha bổng, mà là giáo huấn Ki-tô giáo này đã giúp tôi sống sót.”
Đức Hồng y Pell bị kết án vào năm 2018 về nhiều tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Vào ngày 7 tháng 4, Tòa án Tối cao Úc đã lật lại án tù sáu năm của ngài với phán quyết rằng Ngài lẽ ra không nên bị kết án về tội danh này và cho biết bên truy tố đã không trưng dẫn được bằng chứng nào đáng tin ngoài một sự nghi ngờ hợp lý về tội lỗi của Hồng y.
Trong buổi tĩnh tâm, Đức Hồng y Pell đã đưa ra 5 đề nghị cho những ai đang phải chịu những cơ cực về cảm xúc, kể cả tình trạng sầu muộn, mất mát và những thống khổ riêng tư, đó là: tập luyện thể dục, tránh uống rượu nhiều, ăn uống lành mạnh và đều đặn, ngủ đủ giấc nhất định của một đêm và thức dậy cùng một giờ mỗi ngày.
Đức Hồng y cho biết thói quen đều đặn đó, nhất là việc tập thể dục hàng ngày đã giúp ngài rất nhiều khi ở trong tù. Ngài nhắn nhủ các sinh viên tại khóa tĩnh tâm hãy sớm thực hành các lời khuyên đó. Điều này đặc biệt quan trọng nhất là đối với người trẻ, nên thực hiện lời khuyên này sớm hơn là để sau này.
Đức Hồng y nói khi tạo nên “những thói quen tốt cho tâm trí và luyện tập thể lý”, ta được dẫn dắt theo đường lối đúng đắn trong những thời điểm đau khổ căng thẳng không thể tránh khỏi.
Đức Hồng y cảnh giác: “Ngược lại, nếu bạn sống cẩu thả, vô kỷ luật và ích kỷ trong suốt cuộc đời mình, thì việc vượt qua những thách đố đó trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Trong một sứ điệp Phục Sinh được công bố vào tháng Tư, Đức Hồng y Pell viết :“Tôi đã ngồi tù 13 tháng vì một tội ác mà tôi không hề phạm. Từ thất vọng này đến thất vọng khác. Tôi biết Chúa ở cùng tôi, nhưng tôi không biết Ngài định làm gì, mặc dù tôi nhận ra rằng Ngài để cho tất cả chúng ta được tự do. Nhưng mỗi sự va đập, đó là một niềm an ủi khi biết rằng tôi có thể dâng điều đó cho Chúa vì một mục đích tốt đẹp nào đó, chẳng hạn như biến một phần lớn sự đau khổ thành năng lượng thiêng liêng.”
Đức Hồng y Pell nói thêm: “Con trai duy nhất của Thiên Chúa không hề trải qua một cuộc chạy đua dễ dàng. Ngài chịu đựng nhiều hơn phần của Ngài. Chúa Giê-su đã cứu chuộc chúng ta và chúng ta có thể chuộc lại sự đau khổ của mình bằng cách kết hợp sự đau khổ với Ngài và dâng lên cho Thiên Chúa.”
Sứ điệp Phục sinh của Đức Hồng y bao gồm một lời loan báo Tin Mừng: Chúa Giê-su thành Nazareth đã chết và được phục sinh thân xác.
“Đây là sự trở lại của toàn bộ con người Ngài từ cõi chết, phá vỡ các quy tắc về sức khỏe và thể lý, khi các Ki-tô hữu tin rằng chàng trai trẻ này là Con duy nhất của Thiên Chúa, Đấng Thánh, Đấng Mê-si-a… Đấng cứu chuộc chúng ta, giúp chúng ta nhận được ơn tha thứ và bước vào cõi hạnh phúc vĩnh cữu.
Vào ngày 7 tháng 4, ngày Đức Hồng y được ra tù, ngài nói với CNA: “Cầu nguyện là nguồn sức mạnh to lớn đối với tôi trong suốt thời gian khó khăn này, bao gồm cả những lời cầu nguyện của người khác, và tôi vô cùng biết ơn tất cả những người đã cầu nguyện cho tôi và giúp đỡ tôi trong thời gian thực sự thử thách như thế”.
Lâm Phương (Theo CNA)