Trong ảnh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp bang New Jersey (Anh) tổ chức một sự kiện thường niên tại thành phố Trenton hôm 24 tháng 1 năm 2020, về việc nâng cao nhận thức liên quan đến nạn buôn người. Tại Vương quốc Anh, Đức Hồng y Vincent Nichols ủng hộ một chiến dịch của Tổ chức Ngăn chặn tội phạm phát động nhằm chống lại nạn nô lệ hiện đại ở nước này. (Ảnh: Mike Catalini / AP.)
Thành phố Leicester, Vương quốc Anh – Đức Hồng y Vincent Nichols thuộc tổng giáo phận Westminster đã ủng hộ một chiến dịch chống lại nạn nô lệ do Tổ chức Ngăn chặn tội phạm của Vương Quốc Anh phát động.
Chiến dịch #SlaveryonYourDoorstep (Nạn nô lệ ở xung quanh bạn) tìm cách thu thập các thông tin ẩn danh từ công chúng cung cấp để giúp đỡ các nạn nhân tiềm năng, giữa tình hình số người phải chịu cảnh giống như nô lệ tiếp tục gia tăng ở nước này.
“Đại dịch vi-rút corona đã ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương một cách không cân xứng,” Đức Hồng y Nichols nói. “Điều này đã dẫn đến việc có thêm nhiều nạn nhân tiềm năng của nạn buôn người và bóc lột sức lao động.”
Đức Hồng y Nichols hiện là chủ tịch của Nhóm Santa Marta – một liên minh toàn cầu được thành lập theo sáng kiến của Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales nhằm tập hợp các cảnh sát trưởng và các nhà lãnh đạo Công giáo khắp nơi trên thế giới để chống lại nạn buôn người. Santa Marta được đặt tên cho nhà khách nơi mà Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đang cư trú tại Vatican, nơi Nhóm Santa Marta này họp mặt lần đầu tiên vào năm 2014.
Tổ chức Ngăn chặn tội phạm cho biết chế độ nô lệ hiện đại tồn tại – thường không được chú ý – trong một số ngành công nghiệp ở Anh, bao gồm nông nghiệp, xây dựng, phục vụ, chăm sóc, vệ sinh công nghiệp, khách sạn và thủy sản, cũng như rất phổ biến trong ngành công nghiệp tình dục.
Tổ chức này khuyến cáo công chúng chú ý đến các dấu hiệu của nạn nô lệ hiện đại, bao gồm những người có dấu hiệu bị thương, bị lạm dụng và suy dinh dưỡng; trông nhếch nhác, thường mặc cùng một bộ quần áo và vệ sinh kém; trông họ như đang chịu sự kiểm soát và ảnh hưởng của người khác; sống trong những nơi tù túng, chật chội, bẩn thỉu; không được giữ hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân; tỏ ra sợ hãi, tránh giao tiếp bằng mắt và có thái độ nghi ngờ không tin tưởng người khác; thường được đưa đi từ sáng sớm và trở về vào đêm khuya một cách thường xuyên, bị cô lập khỏi cộng đồng địa phương và gia đình; và chỉ di chuyển cùng với những người lao động khác.
Tổ chức Ngăn chặn tội phạm cho biết: “Do tính chất tiềm ẩn của loại tội ác này, số nạn nhân được báo cáo trong thời gian phong tỏa do đại dịch vi-rút corona còn thấp, tuy nhiên, khi các hạn chế được nới lỏng, và các doanh nghiệp, cửa hàng và nhà máy mở cửa trở lại, chúng ta có thể thấy con số tội ác mà trước đó chưa được báo cáo đầy đủ tăng vọt, vì lúc đó các nạn nhân xuất hiện trước mắt công chúng nhiều hơn.”
“Chúng tôi biết rằng có thể bạn sẽ cảm thấy lúng túng hoặc hơi xấu hổ khi có sự nghi ngờ, nhưng không hoàn toàn chắc chắn liệu tình trạng nô lệ hiện đại có đang xảy ra. Chính bản chất tiềm ẩn đó khiến cho tội ác này khó bị phát hiện hơn. Nhưng đôi khi, bạn sẽ có linh cảm rằng có điều gì đó không ổn.”
Trong một bài thuyết trình gần đây về vấn đề ngăn chặn nạn lao động cưỡng bức và nạn buôn người, ông Kevin Hyland – cựu ủy viên độc lập về Phòng chống Nô lệ Vương quốc Anh và là cố vấn cao cấp của Nhóm Santa Marta – cho biết, những ngành nghề được coi là “thiết yếu” trong thời gian phong tỏa do dịch vi-rút corona bao gồm các dịch vụ y tế, các bệnh xá, ngành công nghiệp thực phẩm và dịch vụ vệ sinh, cũng chính là những ngành dễ bị ảnh hưởng nhất bởi nạn nô lệ hiện đại.
Ông Hylan nói: “Sự đóng góp của họ đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ hoàng gia, các thủ tướng cũng như tổng thống, tuy nhiên tình trạng bóc lột vẫn đang tiếp tục diễn ra và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn bởi đại dịch COVID-19.”
Ông Hylan khẳng định: “Trách nhiệm ngăn chặn tội ác này cần được các chính quyền, doanh nghiệp, nhà đầu tư và các cộng đồng chấp nhận, vì khi có trách nhiệm và trách nhiệm giải trình thì mọi thứ sẽ thay đổi. Vì vậy, pháp chế hiệu quả và việc thực thi chính sách có nguồn lực tốt là rất quan trọng. Ngay lúc này, đừng nhắm mắt làm ngơ trước vấn nạn này, nếu không, chúng ta sẽ trở thành nỗi thất vọng cho nhiều thế hệ mai sau.”
Năm ngoái, có hơn 10.000 nạn nhân tiềm năng của nạn buôn người, nô lệ và lao động cưỡng bức được nhận dạng trên khắp Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, tổ chức Bước chân Tự do ước tính con số thực tế có thể cao hơn theo cấp số nhân. Họ ước tính có thể có tới 136.000 nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại ở nước này.
Lâm Phương (theo Crux)