Trang chủ » Docat và cuộc sống » Không hẳn là hành vi ngẫu nhiên: Khoa học chứng minh sống tử tế mang lại nhiều lợi ích

Không hẳn là hành vi ngẫu nhiên: Khoa học chứng minh sống tử tế mang lại nhiều lợi ích

by psg
1530 lượt xem
Không hẳn là hành vi ngẫu nhiên: Khoa học chứng minh sống tử tế mang lại nhiều lợi ích

Trong bức ảnh, đầu bếp và chủ sở hữu nhà hàng Nightbird, cô Kim Alter (bên trái) mô phỏng một cái ôm với y tá cô Sydney Gressel (ở giữa) và anh Matt Phillips, trợ lý điều dưỡng, sau khi giao thức ăn tối cho họ tại Đại học California thuộc Bệnh viện San Francisco Benioff, thành phố San Francisco (Mỹ), hôm 27 tháng 3, năm 2020. Một nhóm những người bạn doanh nhân am hiểu về công nghệ ở thành phố San Francisco muốn giúp đỡ hai nhóm cộng đồng bị tàn phá bởi đại dịch vi-rút corona. Họ đã đưa ra một kế hoạch bao gồm việc quyên góp, tác động bạn bè trong giới nhà hàng và thuyết phục các bệnh viện ở San Francisco chấp nhận thức ăn miễn phí do một số đầu bếp hàng đầu của thành phố chuẩn bị. (Ảnh: Cre., Jeff Chiu / AP.)

Các hành vi tử tế, xét cho cùng, có thể không hẳn là việc làm ngẫu nhiên. Khoa học cho biết những hành vi này mang lại nhiều lợi ích.

Nghiên cứu cho thấy những hành vi tử tế khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu và khỏe mạnh hơn. Theo các nhà khoa học, sự tử tế cũng là chìa khóa trong quá trình tiến hóa và sống sót như một loài. Chúng ta tự bẩm sinh đã mang trong mình sự tử tế.  

Sự tử tế “ăn sâu trong xương tủy của chúng ta, giống như sự giận dữ, lòng tham, nỗi đau buồn, hay mối thù hận,” tiến sĩ Michael McCullough, nhà tâm lý học của đại học California San Diego, tác giả của cuốn sách Kindness of Strangers (Sự tử tế của kẻ xa lạ) sắp được xuất bản, nhận xét. Ông cho biết sự tử tế cũng là “nét đặc trưng chính yếu mà chúng ta thường xem như là điều hiển nhiên.”

Nghiên cứu khoa học về hành vi tử tế của con người đang phát triển rầm rộ, và những gì các nhà khoa học đã tìm thấy cho đến nay đều nói tốt về chúng ta.

Tiến sĩ Oliver Curry, chuyên gia nhân chủng học của đại học Oxford và là giám đốc nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Kindlab, cho biết: “Sự tử tế có từ lâu đời hơn nhiều so với tôn giáo. Nó dường như mang tính phổ quát.”

 “Lý do cơ bản tại sao con người sống tử tế là vì chúng ta là giống loài sống theo bầy đàn và không thể tách rời xã hội.”

Trong bức ảnh hôm thứ Năm, ngày 30 tháng 4 năm 2020, bà Galina Yakovleva kéo một chiếc xe đẩy chở hàng hóa thực phẩm từ thiện đến cho một phụ nữ đang gặp khó khăn ở thành phố St.Petersburg, Nga. Mỗi ngày giữa đại dịch vi-rút corona, bà Galina Yakovleva, 80 tuổi, người đã sống sót khi mà  trận đại dịch bao vây cả thành phố Leningrad, lái chiếc xe tải nhỏ của mình để mang các hàng hóa thực phẩm từ thiện cho người già và các gia đình có con nhỏ đang cần được giúp đỡ trong thành phố. (Ảnh: Cre., Dmitri Lovetsky / AP.)

Chúng ta quý trọng sự tử tế hơn bất kỳ giá trị nào khác. Khi các nhà tâm lý học gộp các giá trị thành mười loại và hỏi mọi người điều gì quan trọng hơn. Cô Anat Bardi, nhà tâm lý học của đại học Luân đôn, người nghiên cứu các hệ thống giá trị, cho biết  lòng nhân từ hay sự tử tế được đánh giá cao nhất, vượt qua các giá trị khác như chủ nghĩa khoái lạc, một cuộc sống thú vị, sự sáng tạo, tham vọng, truyền thống, an toàn, sự vâng lời, việc mưu cầu công bằng xã hội và theo đuổi quyền lực.
Tiến sĩ Oliver Curry của đại học Oxford nhận xét: “Chúng ta sống tử tế vì trong những hoàn cảnh phù hợp, chúng ta hết thảy đều được hưởng lợi từ nó.”  Theo nhà nhân chủng học tiến hóa của đại học Duke, giáo sư Brian Hare, tác giả của cuốn sách mới Survival of the Friendliest (Sự sống sót của những kẻ thân thiện nhất): Khi nói đến sự sống sót của một loài, “sự tử tế và sự thân thiện mang lại nhiều lợi ích.”  

Sự tử tế và tinh thần hợp tác có lợi đối với nhiều loài, cho dù đó là loài vi khuẩn, loài hoa, hay loài vượn bonobo gần giống con người. Giáo sư Hare nói, càng có nhiều bạn bè, và càng giúp đỡ nhiều cá nhân, bạn càng thành công hơn.

Giáo sư Hare, người nghiên cứu về vượn bonobo và các loài linh trưởng khác, đã so sánh những con tinh tinh hung dữ (chimpanzees) hay tấn công người lạ với những con vượn bonobo vốn là loài không giết hại nhưng hay giúp đỡ kẻ lạ. Ông phát hiện rằng những con vượn bonobo đực thành công hơn những con tinh tinh (chimpanzees) kia trong việc giao phối.

Tiến sĩ McCullough cho rằng vượn bonobo là một ngoại lệ. Ông nói, hầu hết các loài động vật chỉ giúp đỡ họ hàng gần chứ không giúp đỡ kẻ lạ. Đây là một trong những đặc điểm phân biệt chúng ta khỏi các loài khác. Và điều này, theo ông, là do khả năng suy luận của con người.

Trong bức ảnh hôm thứ Hai, ngày 27 tháng 4 năm 2020, một đám đông nhỏ tụ tập ở khu Upper West Side, quận Manhattan (thành phố New York, Mỹ) để nghe ngôi sao sân khấu Brian Stokes Mitchell hát ca khúc “The Impossible Dream”(Giấc mơ không thể đạt được) từ cửa sổ căn hộ của anh. Sau khi hồi phục khỏi vi-rút corona, nam diễn viên kiêm ca sĩ được nhiều người ngưỡng mộ này, hằng đêm sẽ mở  cánh cửa sổ nhìn ra sân khấu Broadway (Mỹ) và hát cho đám đông nghe bài hát chủ đạo của anh trong bộ phim ca nhạc “Man of La Mancha.” (Ảnh: Cre., Mark Lennihan / AP.)

Theo tiến sĩ McCullough, con người nhận ra rằng không có nhiều sự khác biệt giữa người lạ và người thân của mình, và một ngày nào đó những người lạ có thể giúp đỡ ta nếu ta đối xử tử tế với họ.

Ông nói, khả năng suy luận “là một thành phần bí mật. Đây là lý do tại sao chúng ta hiến máu khi xảy ra thảm họa,” và cũng là lý do tại sao hầu hết các quốc gia công nghiệp lại chi ít nhất 20 phần trăm ngân sách của họ vào các chương trình xã hội như nhà ở và giáo dục.

Giáo sư Hare của đại học Duke cũng thực hiện các nghiên cứu trên gấu mẹ để tìm hiểu sự tiến hóa và cơ chế sinh học của lòng tốt cũng mặt trái hung hăng khó chịu của nó. Ông cho biết các nghiên cứu nhằm vào một số khu vực của não, vỏ não trước trán, khớp thái dương và các điểm khác khi được kích hoạt hoặc làm ẩm bởi hoạt động cảm xúc. Cùng một khu vực có thể kích hoạt trong chúng ta khả năng nuôi dưỡng và yêu thương, nhưng ngược lại cũng có thể khiến chúng ta trở nên hung dữ và muốn loại trừ người khác.

Trong bức ảnh hôm thứ Tư, ngày 27 tháng 5 năm 2020, nhân viên y tế chị Kenza (ở giữa) và anh Nassima (bên trái) tham dự buổi tập với võ sĩ Hassan N’Dam tại bệnh viện Villeneuve-Saint-Georges, ngoại ô thành phố Paris (Pháp). Nhà võ sĩ vô địch thế giới người Pháp đưa kỹ năng của mình đến bệnh viện và huấn luyện các nhân viên ở đó để cảm ơn nghề y đã cứu bố vợ mình thoát khỏi vi-rút, và mang đến cho các nhân viên y tế sự tự tin và giúp họ giải tỏa căng thẳng. (Ảnh: Cre, Barshe Ena / AP.)

Theo tiến sĩ Hare, khi gấu mẹ cho ăn và nuôi dưỡng đàn con của chúng, những khu vực này trong não được kích hoạt và khiến chúng trở nên rộng lượng và thân ái hơn. Nhưng nếu có ai đó đến gần gấu mẹ vào thời điểm đó, tại cùng nơi này các cơ chế đe dọa của não sẽ được khởi động. Cùng một con gấu đó sẽ trở nên hung dữ và nguy hiểm nhất.

Ông cho biết ông cũng nhận thấy điều này ở con người. Một số người rất rộng lượng với gia đình và bạn bè thân thiết, nhưng một khi cảm thấy bị người ngoài đe dọa, họ trở nên giận dữ hơn. Ông liên hệ điều này với nạn phân biệt đối xử đang diễn ra trên thế giới hiện nay.

Ông Hare nói: “Các nhóm bị cô lập nhiều hơn có khuynh hướng cảm thấy bị đe dọa nhiều hơn, và có thể trở nên hung dữ và muốn loại trừ nhiều hơn. “Và điều này mở ra cánh cửa tàn khốc.”

Nhưng nhìn chung, theo các nhà khoa học, cơ thể của chúng ta không chỉ được lập trình để sống tử tế, nó còn tưởng thưởng chúng ta khi chúng ta tử tế.

“Hành vi tử tế khiến bạn hạnh phúc hơn và hạnh phúc khiến bạn thực hiện hành vi tử tế,” theo lời nhận xét của nhà kinh tế về nhân công Richard Layard, người nghiên cứu về hạnh phúc tại Trường Kinh tế Luân Đôn, tác giả của cuốn sách Can we be happier? (Liệu chúng ta có thể hạnh phúc hơn không?)

Cô Sonja Lyubomirsky, giáo sư tâm lý học của đại học California Riverside, đã đưa khái niệm đó vào nhiều thử nghiệm trong hơn 20 năm và nhiều lần khám phá rằng con người cảm thấy dễ chịu khi họ đối xử tử tế với người khác, hơn là khi đối xử tử tế với chính mình.

“Tử tế là một hành vi có sức mạnh lớn”, cô Lyomomsky nhận xét.

Trong bức ảnh chụp vào hôm thứ Sáu, ngày 24 tháng 4 năm 2020, ông Dennis Ruhnke đang cầm hai chiếc khẩu trang N-95 còn lại của mình, đứng cạnh là vợ ông – bà Sharon,  tại nhà của họ gần thành phố Troy, bang Kansas (Hoa Kỳ). Ông Dennis, một nông dân về hưu, đã gửi một trong năm khẩu trang còn sót lại của họ từ những ngày làm nông của ông đến cho Thống đốc New York, ông Andrew Cuomo, để cho các y tá bác sĩ sử dụng. (Ảnh: Cre., Charlie Riedel / AP.)

Trong một thí nghiệm, cô yêu cầu các đối tượng thực hiện thêm ba hành vi tử tế cho người khác mỗi tuần và yêu cầu một nhóm khác thực hiện ba hành vi tử tế với bản thân. Những hành vi này có thể rất nhỏ như mở một cánh cửa cho ai đó, hoặc lớn hơn. Kết quả là những người thực hiện hành vi tử tế với người khác trở nên hạnh phúc hơn và cảm thấy gắn kết hơn với thế giới.     

Điều tương tự cũng xảy ra đối với tiền bạc. Sử dụng tiền bạc để giúp đỡ người khác khiến người ta cảm thấy dễ chịu hơn so với việc giúp chính mình.

Lyubomirsky cho biết, cô nghĩ rằng đây là do mọi người dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ và lo lắng về bản thân họ và khi họ hướng suy nghĩ về người khác nhờ vào việc thực hiện những hành vi tử tế, tâm trí họ cũng được chuyển hướng khỏi những vấn đề của chính mình.

Tiến sĩ Curry của đại học Oxford đã phân tích nghiên cứu thẩm định giống như các nghiên cứu của cô Lyubomirsky và tìm thấy ít nhất 27 nghiên cứu cho ra kết quả tương tự: Sống tử tế khiến mọi người cảm thấy thoải mái hơn về mặt tinh thần.

Không chỉ thế, nó còn giúp cải thiện sức khỏe thế chất nữa.

Cô Lyubomirsky cho biết một nghiên cứu về những bệnh nhân mắc chứng đa xơ cứng cho thấy những người này cảm thấy khỏe mạnh hơn khi họ giúp đỡ người khác. Cô cũng khám phá ra rằng ở những bệnh nhân thực hiện nhiều hành động tử tế hơn, các gen kích hoạt tình trạng viêm được hạn chế nhiều hơn so với những bệnh nhân khác.

Ngoài ra, trong các nghiên cứu sắp tới, cô đã tìm thấy có nhiều gen chống vi-rút hơn ở những người thực hiện hành vi tử tế.

Lâm Phương (theo Crux)

0 Bình luận

Để lại bình luận của bạn

Các bài viết cùng chuyên mục