Trang chủ » Docat và cuộc sống » Sứ thần Tòa thánh ở Colombia cho rằng quốc gia này phải có mong muốn đối thoại

Sứ thần Tòa thánh ở Colombia cho rằng quốc gia này phải có mong muốn đối thoại

by psg
980 lượt xem
Sứ thần Tòa thánh ở Colombia cho rằng quốc gia này phải có mong muốn đối thoại

“Để đạt được sự hòa giải, trước hết người ta phải có ý định và tôi tin rằng phần lớn người dân Colombia mong muốn điều đó.”

“Để đạt được hòa giải, trước hết người ta phải có ý định và tôi tin rằng phần lớn người dân Colombia mong muốn điều đó, nhất là ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chiến tranh. Tuy nhiên, điều này không thể đạt được trong một sớm một chiều.”

Phải cần đến nhiều kinh nghiệm, nhiều sự kiên trì, bởi những thăng trầm và ham muốn khác có thể khiến cho nỗ lực hòa giải này bị chuyển hướng hoặc cuốn đi. Sẽ luôn có những người đối địch, và việc thuyết phục họ là một nhiệm vụ đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn. Ngoài ra, cũng cần đảm bảo các điều kiện vật chất.

Nhà nước phải có mặt ở tất cả các khu vực, bảo vệ tất cả cư dân của mình và ngăn chặn các nhóm bất hợp pháp dùng vũ khí để áp đặt luật lệ của họ. Nhiệm vụ của các chính trị gia là tạo ra sự đồng thuận về những điều thiết thực và dựa trên công ích chung,” đây là những lời mà Đức ông Luis Mariano Montemayor – Đức Tổng Giám mục và là Sứ thần Tòa thánh ở Colombia – dùng để miêu tả về tình hình hiện tại ở đất nước này, trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên tờ Semana của Colombia, hôm thứ Bảy, ngày 11 tháng 7.  

Hãng Fides đưa tin, những lời của ngài nhằm chỉ ra các trở ngại đằng sau nỗ lực hòa giải ở Colombia:

“Không chỉ các chính trị gia là những người đang ngăn chặn nỗ lực hòa giải này mà còn có những nhóm khác không muốn có hòa bình vì kết thúc các thương vụ kinh tế,” ngài nhấn mạnh. “Tôi đang nói đến những người đứng đằng sau các hoạt động kinh tế bất hợp pháp.  

Về phần các chính trị gia này, tôi cho rằng chúng ta phải học cách vượt qua các thù hận lịch sử. Không thể phủ nhận rằng lịch sử có một sức nặng trong mỗi chúng ta và trong đời sống xã hội, nhưng chúng ta đừng trở thành nô lệ của lịch sử bằng cách lặp lại những sai lầm và xung đột tương tự.

Chúng ta phải đặt công ích chung lên trên tất cả, bởi vì, như Đức Thánh Cha nói, chúng ta đang ở trên cùng một chiếc thuyền. Không phải ai cũng đau khổ theo cùng một cách, nhưng hết thảy chúng ta đều ở trên cùng một chiếc thuyền, và cuối cùng, nếu thuyền chìm, tất cả chúng ta đều bị thiệt hại.” 

Đức ông Montemayor, người được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa thánh ở Colombia cách đây chưa đầy hai năm, gợi ý một phương án để thoát khỏi tình trạng bạo lực vốn cũng liên quan đến các nhóm buôn bán ma túy:  

“Xung đột ở Colombia không hề đơn giản, có rất nhiều người liên quan khác nhau đang gặp nguy hiểm. Điểm chung ở đây là sự vắng mặt của Nhà nước ở nhiều khu vực, cũng như thiếu các nỗ lực kiểm soát lãnh thổ – một vấn đề mà chúng ta không thể tiếp tục phớt lờ. Nhà nước, vốn không chỉ là lực lượng vũ trang, phải được đưa đến các khu vực này. Phải thể hiện cho người dân thấy ý chí chính trị của chính quyền, tuy không thể đạt được điều này trong một sớm một chiều,” ngài kết luận.

Lâm Phương (theo Zenit)

0 Bình luận

Để lại bình luận của bạn

Các bài viết cùng chuyên mục