Tôn giáo được cho là nguồn mạch của sự ủi an trong những khoảnh khắc của sự thất bại và đau khổ. Tuy nhiên, các buổi cử hành Phụng vụ đang bị đình chỉ ở khắp mọi nơi.
Thiên Chúa ở đâu giữa bối cảnh của một dịch bệnh? Có lẽ không phải trong một nhà thờ. Ít nhất là không phải trong một nhà thờ ở miền bắc Italy, trung tâm của sự bùng phát coronavirus lớn nhất ở một quốc gia phương Tây cho đến nay. Các Thánh lễ và các dịch vụ tôn giáo khác, bao gồm cả tang lễ, đều đã bị đình chỉ trong nhiều tuần lễ ở đó, phù hợp với các quyết định của chính phủ nhằm hạn chế sự lây lan. Hôm Chúa nhật 8/3, cùng ngày chính phủ tuyên bố lệnh phong tỏa miền Bắc nước này, tất cả các dịch vụ tôn giáo trên khắp nước Ý, bao gồm cả các Đền thờ Hồi giáo và Hội đường Do Thái giáo, đều bị hủy cho đến ít nhất là ngày 3 tháng 4 (Hôm thứ Hai 9/3, lệnh hạn chế đi lại được mở rộng ra cả nước).
Sự đình chỉ đã tạo ra một số kết quả khác thường: Cho đến cuối tuần vừa qua, Nhà thờ Chính Tòa Milan đã mở cửa cho khách du lịch, nhưng không dành cho các tín hữu. Thậm chí ngay cả Thánh Lễ trong tuần cũng bị cấm, mặc dù nơi đây thường thu hút đám đông nhỏ hơn so với quán bar trung bình vào thời gian khai vị (aperitivo), một nghi thức xã hội không thể chuyển nhượng ở Ý. Các nghi thức tôn giáo ở Venice cũng đã bị hủy bỏ, bao gồm các hoạt động mừng lễ tại Vương Cung Thánh Đường Santa Maria della Salute (hay Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Sức Khỏe), một kiệt tác baroque được xây dựng như một lời tri ân nhằm đánh dấu sự kết thúc của trận bệnh dịch tàn phá dân chúng trong thành phố vào năm 1630-1631. Các tín hữu đã được đề nghị theo dõi việc cử hành Thánh lễ Chúa nhật được phát trên truyền hình địa phương hoặc trực tuyến, mặc dù sự khác biệt giữa hai hình thức này cũng giống như việc ngồi cạnh đống lửa và chiêm ngưỡng một bức tranh về nó, như Đức Tổng Giám mục Địa phận Milan đã chia sẻ trong khi cử hành Thánh lễ trong ngôi Vương Cung Thánh Đường vắng hoe.
Các biện pháp tương tự cũng đã được thực hiện ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Iran, nơi mà hàng triệu tín hữu đã bị tước đi sự thoải mái hiện hữu khi tham dự các nghi lễ tôn giáo trong một khoảnh khắc đầy sự bất ổn và bối rối. Trong một biện pháp chưa từng có, Ả Rập Saudi đã đình chỉ các cuộc hành hương đến các địa điểm linh thiêng của Hồi giáo. Nhà thờ Chúa Giáng Sinh ở Bethlehem cũng đã bị đóng cửa sau khi một trường hợp nhiễm coronavirus được xác nhận trong khu vực. Nhiều tín hữu sẽ phải đối mặt với những hạn chế tương tự khi virus lây lan. Hôm thứ Hai 9/3, tại Hoa Kỳ, các giáo dân tại một nhà thờ tại Washington, D.C., đã được yêu cầu tự cách ly sau khi một Linh mục, người mà gần đây đã cho họ Rước lễ, xét nghiệm dương tính với coronavirus.
Không ai nên tranh cãi về việc cần phải hạn chế nghiêm ngặt các cuộc tụ họp nghi lễ và tuân thủ các quy định an toàn công cộng, đặc biệt là sau khi các nghi lễ tại một nhà thờ thuộc giáo phái bí mật Tân Thiên Địa (Shincheonji) trở thành điểm nóng của việc lây nhiễm vi rút ở Hàn Quốc. Nước Thánh không phải là dung dịch khử trùng tay và cầu nguyện không phải là vắc-xin. Các quyết định mang tính chính trị nhằm đảm bảo an toàn công cộng chỉ nên dựa trên các bằng chứng khoa học.
Nhưng đối với các tín hữu, tôn giáo là một nguồn mạch nền tảng của sự chữa lành tâm linh và niềm hy vọng. Đó là một phương thuốc chống lại sự tuyệt vọng, cung cấp sự hỗ trợ về mặt tâm lý và cảm xúc vốn là một phần không thể thiếu của sự hạnh phúc. (Đó cũng là một liều thuốc giải độc cho sự cô đơn, mà một số chuyên gia y tế đã chỉ ra như là một trong những vấn đề về sức khỏe cộng đồng đáng lo ngại nhất trong thời đại của chúng ta).
Ở cấp độ sâu xa hơn, tôn giáo, đối với các tín hữu, chính là nguồn ý nghĩa tối thượng. Sự kêu đòi sâu sắc nhất đối với mọi tôn giáo đó là làm cho ý nghĩa của toàn bộ sự tồn tại, bao gồm, và có lẽ đặc biệt là, những hoàn cảnh bị đánh dấu bởi sự đau khổ và khốn cùng. Để thực hiện các yêu cầu như vậy đủ nghiêm túc, và thậm chí cả sức khỏe thể chất, khi nó không có mục đích lớn hơn, bắt đầu trông giống như một giá trị trống rỗng. Lịch sử của các tôn giáo đầy rẫy những tín đồ đã liều mạng của mình để bảo vệ quyền tự do thờ phượng của họ chống lại một số hình thức quyền lực. Sau khi hoàng đế La Mã Diocletian ngăn cấm các Kitô hữu tụ tập để làm việc thờ phượng, một số người trong số họ đã bị bắt gặp đang cử hành Thánh lễ tại thị trấn Abitinae, ở Tunisia ngày nay. Họ đã bị tra tấn và cuối cùng bị giết chết. Khi được hỏi về lý do tại sao họ vi phạm sắc lệnh của hoàng đế, một trong số họ trả lời rằng: “Nếu không có ngày dành cho Thiên Chúa, chúng tôi không thể sống”.
“Đối với những Kitô hữu này, Thánh lễ Chúa nhật không phải là một giới luật phải tuân giữ, nhưng là một điều cần thiết nội tại”, Đức Giáo hoàng Benedicto XVI chia sẻ trong một bài giảng Thánh lễ vào năm 2007. “Nếu không có Ngài củng cố đời sống của chúng ta, cuộc sống quả là trống rỗng”.
Ngày nay, mối đe dọa xuất phát từ một loại virus không phân biệt các tín đồ với những người vô thần, nhưng căng thẳng cơ bản giữa tôn giáo và các chính quyền thế tục vẫn còn đó. Ở Ý, một quốc gia truyền thống Công giáo, nơi chỉ có khoảng 20% dân số tham dự Thánh lễ hàng tuần, các nhà thờ đang được coi như là các nhà cung cấp các dịch vụ không quan trọng, như các rạp chiếu phim và các phòng hòa nhạc. Điều đó đã gây ra những phản ứng dữ dội giữa một số người Công giáo, những người coi việc cử hành Thánh lễ là đặc biệt thiết yếu vào thời điểm khi mà mối đe dọa vô hình và lan tràn tấn công không chỉ thể xác mà còn cả linh hồn, gieo rắc sự hoảng loạn và làm xói mòn niềm tin vào xã hội. Đâu là sự khác biệt giữa một số ít các tín hữu quy tụ trong nhà thờ, giữ khoảng cách an toàn với nhau, với các nhóm tụ họp tại các nhà hàng, các quán bar hoặc đi tàu điện ngầm? Câu hỏi là một vấn đề thực tế nhưng gợi ý về một sự căng thẳng tiềm ẩn xung quanh vấn đề tự do tôn giáo mà tình trạng khẩn cấp y tế đang thay đổi.
Hàng Giáo phẩm của Giáo hội Công giáo sẵn sàng tuân thủ các quyết định của chính phủ Ý. Quả là quá dễ dàng, theo một số người. “Sự gián đoạn đối với hoạt động thờ phượng công cộng đã được Giáo hội Ý hoan nghênh với một sự lười biếng mang tính quan liêu”, nhà sử học về Giáo hội, Alberto Melloni, viết trên tờ nhật báo La Repubblica. Hội đồng Giám mục Ý đã đưa ra một cử chỉ phản đối yếu ớt – trong một tuyên bố, họ đã phàn nàn về một sắc lệnh “rất hạn chế” – nhưng sự việc đã không đi xa hơn. Một số nhà bình luận đã than phiền rằng các nhà chức trách tôn giáo đã không nỗ lực – hoặc không cố gắng hết sức có thể – để đạt được một sự thỏa thuận cho phép việc cử hành Thánh lễ tiếp tục, có lẽ tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh bằng cách giới hạn số lượng người tham dự hoặc rút ngắn Thánh lễ bằng cách cắt giảm và chỉ giữ lại những yếu tố cần thiết nhất. Những người chỉ trích quyết định lưu ý rằng việc cử hành Thánh lễ ở Ý đã không bị đình chỉ thậm chí ngay cả trong các vụ đánh bom trong Thế chiến II.
Tình trạng căng thẳng giữa sức khỏe thể chất và sự thoải mái về tinh thần theo một cách nào đó là một điều không thể hòa hợp – một vấn đề nan giải mà trong đó việc hành động để bảo vệ một giá trị không thể chối cãi chắc chắn sẽ tạo ra một hình thức của sự thiếu thốn lương thực cho tâm hồn. Tuy nhiên, có một điều gì đó đáng buồn về khoảng thời gian này, sự căng thẳng hầu như không được coi như là một điều gì đó thực tế, để thực sự chiến đấu đến cùng.
Khi nhu cầu tôn giáo của các tín hữu không được đáp ứng, họ có xu hướng tìm kiếm những phương thế khác để thực hiện chúng. Đối với một số tín hữu Công giáo ở miền bắc nước Ý, điều đó đồng nghĩa với việc cùng nhau quy tụ để cử hành Thánh lễ bí mật tại tư gia của các Linh mục và các địa điểm tư nhân khác, có khả năng nhỏ hơn và đông đúc hơn một nhà thờ. Tin tức về các Thánh lễ được cử hành trái phép như vậy đang lan truyền rộng rãi trên WhatsApp và các phương tiện truyền thông xã hội khác. Các tín hữu ở hầu hết các tỉnh phía bắc cho đến gần đây đã vượt qua biên giới với Thụy Sĩ để đi tham dự Thánh lễ, trước khi chính phủ hạn chế nghiêm ngặt việc đi lại. Tại một ngôi làng nhỏ gần Pavia, phía tây nam Milan, một vị Linh mục cao niên, 88 tuổi, đã bị trình báo với cảnh sát vì Ngài đã cử hành Thánh lễ Chúa nhật tại nhà thờ địa phương. Có tất cả tám giáo dân tham dự.
Mattia Ferraresi
Mattia Ferraresi (@mattiaferraresi) là một cây bút của tờ nhật báo Il Foglio của Ý.
Minh Tuệ (theo The New York Times)